Gần sát những ngày cuối năm, thị trường di động Việt Nam sôi động trở lại với những màn giảm giá sản phẩm liên tục, đặc biệt là các dòng máy cao cấp.
Giảm giá để kích cầu
Hôm 5/12, Samsung công bố giảm giá lần lượt 1 và 1,5 triệu đồng cho bộ đôi Samsung Galaxy S7 cũ và S7 edge. Mức giá mới cho 2 sản phẩm này là 14,99 và 16,99 triệu đồng. Đáng chú ý đây mới là lần đầu tiên 2 smartphone này giảm giá, lại nhắm đúng dịp cuối năm.
Trong khi đó, nhà phân phối FPT Trading dịp cuối tháng 11 cũng công bố giảm giá gần 2 triệu đồng cho iPhone 7, xuống mức 16,99 triệu cho bản 32 GB. Động thái này được đưa chỉ vài tuần sau khi máy chính thức về Việt Nam. Phía đại lý cho biết động thái giảm giá này nhằm kích cầu người dùng.
Ngay sau đó, phía các nhà phân phối (đồng thời là nhà bán lẻ) như Thế Giới Di Động, lập tức công bố chương trình giảm giá 1 triệu đồng cho hầu hết các mẫu iPhone mới cho người dùng mua theo hình thức online.
Đây cũng là lần đầu tiên iPhone mới vừa về nước đã sớm giảm giá, cho thấy mức độ cạnh tranh gay gắt từ các nhà phân phối.
Nhiều mẫu iPhone, điện thoại Galaxy S vừa giảm giá cả triệu đồng. Ảnh: Thành Duy.
Bên cạnh đó, iPhone chính hãng đời cũ hơn cũng giảm mỗi mã 2-3 triệu đồng, thiết lập một sàn giá mới cho sản phẩm Apple sau khi iPhone 7, 7 Plus về nước.
Đáng chú ý trong số các sản phẩm này, iPhone SE vừa giảm giá mạnh mẽ từ mức 10,99 xống 8,99 triệu cho bản 16 GB, liền sau đó giảm thêm 1 triệu nếu mua online (còn 7,99 triệu đồng). Đây là mức giá tốt nhất từ trước đến nay cho một mẫu iPhone chưa đầy một năm tuổi đời tại Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là, liệu có phải doanh số iPhone tại Việt Nam trên đà tụt dốc nên đại lý, nhà phân phối mới giảm giá mạnh mẽ đến vậy. Trên thị trường quốc tế, người ta đang nói rầm rộ về chuyện Apple giảm lượng sản xuất iPhone 7 và 7 Plus không còn.
Thực tế tại Việt Nam hoàn toàn khác. Những màn giảm giá này đơn thuần để kích cầu. Chẳng hạn, các đại lý lớn cho biết họ muốn đẩy mạnh kênh bán hàng online nên giảm giá sản phẩm để thu hút người dùng đặt hàng qua mạng.
Đại diện Thế Giới Di Động cho biết, doanh số iPhone 7 và 7 Plus tăng hơn 100% so với iPhone 6S và 6S Plus trước đây, mặc dù model 7 Plus thiếu hàng trầm trọng. Đơn vị này dự đoán nếu nguồn cung đảm bảo, doanh số của bộ đôi này trong quý I năm sau có thể tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 75.000 đến 100.000 máy.
Thế song mã ở nhóm di động cao cấp
Từ chỗ là cuộc đua hấp dẫn của hàng loạt hãng di động lớn, thị trường di động cao cấp Việt Nam dần hình thành thế song mã. Ở đó, Apple và Samsung là 2 tên tuổi chính.
Nếu như Samsung có lợi thế là nhà sản xuất di động lớn nhất thị trường (thị phần hơn 30%), nhà máy sản xuất đặt trong nước và nguồn lực kính tế hùng hậu để hậu thuẫn cho sản phẩm thì smartphone Apple lại được người dùng đặc biệt ưa chuộng.
Trong khoảng 2 năm gần đây, khi các nhà bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, đạt thỏa thuận phân phối trực tiếp sản phẩm (không phụ thuộc vào bên thứ 3), nhóm iPhone chính hãng ngày một mở rộng thị phần, khiến cho đất sống của hàng xách tay ngày một hạn hẹp.
Trong khi đó, các đối thủ khác như Sony, HTC, LG mỗi người đều gặp những khó khăn riêng và dần trở nên yếu thế.
“Mọi cuộc chiến khốc liệt đều có hồi kết. Không đủ sức cạnh tranh, những hãng yếu phải chấp nhận sống cầm chừng với thị phần một vài phần trăm. Trong khi đó, 2 ông lớn Apple và Samsung chiếm lĩnh mạnh mẽ ở nhóm cao cấp”, ông Mai Triều Nguyên – Giám đốc hệ thống Mai Nguyên Luxury Mobile nhận định.
Theo vị này, sự phân hóa thị trường, mà ở đó Apple và Samsung thâu tóm gần như toàn bộ nhóm di động cao cấp, sẽ còn diễn ra sâu sắc hơn vào năm sau, khi Samsung ra mắt Galaxy S8 trong khi Apple cũng nhăm nhe một mẫu iPhone với kiểu dáng công nghiệp hoàn toàn mới.
Thành Duy Zing
0 nhận xét:
Đăng nhận xét