Sau khi kiểm tra chiếc iPhone 5S mình mua bằng công cụ Simlock Status GSX người dùng đã thấy kết quả khá bất ngờ.
Một chiếc iPhone 5S xách tay.
Như ICTnews đã đưa, trong khoảng 1 tuần gần đây, thị trường trong nước rộ lên tình trạng người dùng iPhone sau khi cài đặt lại, restore máy thì chiếc iPhone đang sử dụng bình thường bỗng dưng bị khoá, thông báo SIM không hợp lệ, trở thành “cục gạch”.
Thực trạng này đang gây ra tâm lý lo ngại cho cộng đồng người dùng iPhone “xách tay” tại Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với ICTnews, anh Nguyễn Công Thành, phụ trách kỹ thuật cửa hàng Chính hãng Telecom 512 Trương Định (Hà Nội) cho hay theo tìm hiểu của cửa hàng này, đã phát hiện một trường hợp khách hàng tại Hà Nội mua máy 5S hàng “quốc tế” nhưng qua kiểm tra lại là hàng iPhone 5S lock.
Đây là chiếc iPhone 5S xuất xứ nhà mạng AU KDDI Nhật Bản, được khách hàng mua tại B.K Computer cách đây khoảng 4 tháng, vào ngày 18/6/2016.
Lúc mua về máy chạy iOS 7.1.2, đến ngày chủ nhật 2/10/2016 vừa qua được chủ nhân nâng lên 10.0.2 thì ngay lập tức bị khóa.
Qua xác minh trực tiếp, anh Nguyễn Công Thành cho biết máy được kích hoạt lần đầu tiên vào ngày 17/3/2014. Đồng thời, chiếc iPhone này là máy đã được mua code quốc tế dạng Codewide (thường không được bảo hành và nguy cơ bị lock rất cao) để “biến hóa” từ máy lock thành máy bản quốc tế.
Sau 4 tháng sử dụng (hết thời hạn bảo hành), chiếc iPhone 5S này trở lại thành máy lock khi chủ nhân restore, update và đương nhiên không thể sử dụng được bằng SIM thường.
“Có thể khẳng định thực trạng nhiều máy tại Việt Nam gần đây bị khóa thành iPhone lock là do sử dụng code rởm chứ không phải do server Apple”, anh Nguyễn Công Thành khẳng định.
Sau khi kiểm tra, các dữ liệu đã tố cáo chiếc iPhone 5S là bản lock đội lốt quốc tế. Ảnh do anh Nguyễn Công Thành cung cấp.
Cũng theo anh Thành, nếu khách hàng nào đang gặp phải rắc rối liên quan đến chuyện máy đang dùng bị lock, cửa hàng này sẵn sàng hỗ trợ kiểm tra miễn phí để phát hiện máy có phải bị khóa do mua phải code “rởm”, vốn là máy lock nhưng được nơi bán máy “phù phép” để biến thành máy quốc tế bán với giá cao hay không.
“Phương pháp check sử dụng công cụ Simlock Status GSX, sẽ dễ dàng phát hiện đó có phải là bản quốc tế hay không, ngày kích hoạt đầu tiên, ngày kích hoạt cuối cùng gần nhất, trạng thái khóa…”, anh Thành cho hay.
Trước đó, ngay sau khi thị trường trong nước rộ lên tình trạng một số cửa hàng cảnh báo khách không tự ý restore, nâng cấp hệ điều hành…, trao đổi với ICTnews, một chuyên gia tại Hà Nội nhận định số lượng máy gặp hiện tượng này không đáng kể, chủ yếu có nguồn gốc là máy khóa mạng AU KDDI, Softbank, Docomo (Nhật Bản); Sprint, Tmobile, AT&T của Mỹ, đó có thể là máy Blacklist (máy trong danh sách bị báo mất), máy nợ cước, ràng buộc hợp đồng…
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh nếu đó là máy quốc tế “xịn”, việc nâng cấp, restore… sẽ không gặp bất cứ vấn đề gì. Việc người dùng mua máy “quốc tế” nhưng lại bị khóa có dấu hiệu của việc các cửa hàng bán máy không đảm bảo xuất xứ nguồn gốc, không phải quốc tế “xịn”, bán ra cho khách hàng máy lock nhưng hô biến thành quốc tế bằng phương pháp “codewide” để thu lời lớn (trên thị trường có giá chỉ khoảng 900.000 đồng).
Hoặc, có thể đó là trường hợp các cửa hàng bán iPhone không kiểm soát được nguồn hàng nhập về.
Các cửa hàng bán máy không đúng với cam kết phải có trách nhiệm với khách hàng. Không thể loan tin, khuyến cáo người dùng không được tự ý nâng cấp, restore, để lấy cớ chối bỏ trách nhiệm của mình, đổ lỗi cho Server Apple - những cách chối bỏ trách nhiệm rất thiếu cơ sở thuyết phục.
Theo ictnews
0 nhận xét:
Đăng nhận xét